Ý nghĩa tranh Chăn trâu thổi sáo:
Bức tranh Chăn trâu thổi sáo là một trong số những bức tranh dân gian đông hồ được yêu thích nhất. Đó là hình ảnh một cậu bé cởi trần ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Bức tranh gợi cho ta nghĩ ngay đến khung cảnh một làng quê yên bình.
Mơ về tuổi trẻ lúc chăn trâu
Nghịch ngợm vô tư nét dãi dầu
Sáng thả ven hồ đùa trận mạc
Chiều dồn bãi đập bắt cua xâu
Du dương sáo trúc hồn bay bổng
Tĩnh mịch đồng quê cảnh sắc đầu
Lớn tỏa tha hương nhiều phẩm cấp
Ơn chùm kỷ niệm thuở thơ lâu.
Trong dòng tranh dân gian Đông hồ truyền thống tranh chăn trâu thổi sáo thường đi cặp với tranh Chăn trâu thả diều hay tranh Chăn trâu đọc sách.
Ông bà ta có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trâu là con vật mà nhà nông không thể thiếu. Trâu giúp nông dân cày bừa, kéo vác làm công việc đồng áng. Đồng thời nó còn là một người bạn chân thành của người nông dân bao đời. Hơn thế, hình ảnh chú trâu cặm cụi chăm chỉ mang lại hiệu xuất công việc cao cũng chính là lời nhắc nhở trong cuộc sống cần chăm chỉ siêng năng, ắt sẽ có kết quả thành công.
Đó chính là lý do mà những nghệ nhân sáng tác tranh dân gian Đông hồ đã đưa hình tượng con trâu vào trong tranh mộc mạc bình dị mà gần gũi.
Trâu trong tranh Chăn trâu thổi sáo có đôi tai vểnh lên nghe ngóng, chân tung tăng, mặt vui nhìn đời, đuôi vẩy ngộ nghĩnh. Hình ảnh của chú trâu trông thật đáng yêu và ngộ nghĩnh khiến người ta liên tưởng sự yêu đời thướng thức tiếng sáo du dương.
Cậu bé ngồi trên lưng trâu có khuôn mặt khôi ngô, với các đường nét cân đối hài hòa. Cậu cới trần, mặc quần cộc cưỡi trâu, thổi sáo. Đây là hình ảnh quen thuộc ta vẫn thường thấy ở chốn thôn quê.
Trên đầu cậu bé có một tán lá sen rộng, được ngắt kẹp cuống giữa hai chân. Lá sen vươn lên trời xanh che nắng. Đôi lúc ta thấy tán lá sen cũng như muốn ngả nghiêng theo điệu sáo.
Ngoài ra, dưới chân cậu, trên tấm thảm thêu hoa còn có những búp, lá, hoa và cọng sen với cách sắp xếp khác nhau mà tinh ý mới thấy. Cậu bé không ngồi hẳn trên lưng trâu mà ngồi trên một thảm thêu hoa đặt trên lưng trâu, thế ngồi rất vững chắc.
Hàng chữ của tranh nguyên bản là “Diệp cái hà thanh thanh” nghĩa là một chiếc lá sen che trời xanh.
Ý nghĩa tranh chăn trâu thổi sáo thể hiện ước nguyện “Thiên thời – địa lợi – nhân hòa” để luôn có những vụ mùa bội thu khi Đất nước luôn gắn liền vói nghề trồng lúa nước. Hình ảnh cậu bé ngồi trên lưng trâu, xung quanh đều là cỏ cây, đất trời rộng lớn chính là biểu hiện khát vọng được hòa hợp với thiên nhiên để có được sự thuận lợi cho mùa màng phát triển, hoa màu tươi tốt.
Bức tranh dân gian Đông đồ, Chăn trâu thổi sáo muốn ca ngợi người nông dân không chỉ lao động với nghề trồng lúa mà còn biết sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa. Những cậu bé nhỏ tuổi nhưng thông minh lanh lợi. Cậu bé vừa giúp đỡ bố mẹ công việc chăn trâu, nuôi dưỡng “đầu cơ nghiệp” của gia đình, vừa ngồi trên lưng trâu một cách thuần thục, vững chắc, vừa biết thổi sáo để thêm yêu đời.
Tín ngưỡng phồn thực cũng góp phần xây dựng nên ý nghĩa tranh chăn trâu thổi sáo. Những cụm cỏ cây được thể hiện dưới dạng số nhiều. cây cỏ nhờ trời đất thuận hòa mà phát triển xanh tươi và sinh sôi nảy nở.
Mỗi bức tranh dân gian Đông hồ đều mang rất nhiều ngụ ý, mong ước và ý nghĩa riêng. Người ta thường mua tranh chăn trâu thổi sáo về treo trong nhà như muốn khích lệ con cái ngoan ngoãn, sáng tạo, lanh lợi, thông minh và biết giúp đỡ ông bà cha mẹ. Đồng thời, bức tranh cũng thể hiện ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, con người cùng thiên nhiên hòa hợp để mùa màng được tươi tốt, cuộc sống ấm êm. Đặc biệt bức tranh còn phảng phất cái chất vô vi trong lối sống, hòa nhã với xung quanh, biết đủ, an nhàn sống mà tận hưởng hiện tại.