Nét độc đáo của tranh dân gian đông hồ
23:02 - 16/11/2021
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Nét độc đáo của tranh dân gian Đông Hồ
Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có.
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Hai câu thơ trên của nhà thơ Hoàng Cầm đã khái quát về một dòng tranh dân gian độc đáo của dân tộc Việt Nam. Đó là dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Làng Đông Hồ, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có nghề làm tranh truyền thống từ bao đời nay. Tranh Đông Hồ phản ánh các đề tài gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân, phản ánh ước mơ, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, đáp ứng được những nhu cầu về tâm lý, tư tưởng, tình cảm và mong ước của nhiều đối tượng nên tranh Đông Hồ dễ đi vào lòng người với những ấn tượng sâu sắc.
Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình (bức tranh Đám cưới chuột)
Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có. Chỉ với 4 màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh, các nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo.
Quy trình sản xuất tranh cũng có khá nhiều công đoạn phức tạp: vẽ mẫu, khắc ván, in tranh. Tuy tranh Đông Hồ được sản xuất theo phương thức đại trà, mỗi mẫu tranh có khi được in ra cả hàng nghìn, hàng vạn bản. Thế nhưng, tất cả các khâu làm tranh đều được làm thủ công hoàn toàn.Vì thế, mỗi bức tranh đều thấm đẫm tình cảm và sự chăm chút của những nghệ nhân.
Đầu tiên là khâu vẽ mẫu. Việc sáng tác tranh là do một người đảm nhận, nhưng được mọi người tham gia bình luận, góp ý để sửa lại cho phù hợp hơn. Vì vậy, cho đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng thì nó đã trở thành sáng tác chung của tập thể.
Mẫu vẽ xong được khắc lên ván in.Đây là khâu rất quan trọng và nó có ý nghĩa quyết định đến giá trị tác phẩm.Thông thường mỗi ván chỉ in được một màu. Do đó, số ván cần phải khắc bằng chính số màu trong tranh.
Các bản khắc của tranh Đám cưới chuột Ảnh
Sau khi hoàn tất việc khắc ván là công đoạn in tranh. Giấy dùng in tranh là loại giấy dó (làm từ vỏ cây dó) với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe. Loại giấy này được quét lên một lớp hồ điệp để tạo nét sáng óng ánh đặc thù. Bên cạnh đó, màu in cũng là một nét vô cùng độc đáo trong quá trình sáng tạo, khám phá, tìm tòi và ứng dụng các nguyên vật liệu gần gũi từ tự nhiên vào hoạt động nghệ thuật (Màu đỏ lấy từ sỏi non, gỗ vang; Màu vàng lấy từ hoa hòe; Màu đen lấy từ than lá tre gỗ; Màu xanh từ lá chàm…). Điều này phản ánh cuộc sống và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên của con người Việt Nam. Cách pha chế màu cũng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chất giấy… Đây là kinh nghiệm, sự sáng tạo, thậm chí còn là bí quyết gia truyền của mỗi nghệ nhân. Chính nhờ sự cầu kỳ, cẩn thận trong cách chế màu mà tranh Đông Hồ luôn tươi sáng, rực rỡ và không bị bay màu.Tranh luôn rực rỡ như lúc mới in xong.
Một trong những nguyên liệu chính tạo nên màu sắc của tranh Đông Hồ: vàng (hoa hòe), trắng (vỏ điệp), đỏ (sỏi son, gỗ vang) - từ trái qua phải
Tranh in hoàn toàn bằng khắc ván, không dùng bút để vẽ hay tô màu. Khi in, người ta dùng ván in đã phết màu lên giấy điệp. Mỗi lần in một màu, các màu phải khít với nhau. Tranh Đông Hồ là nghệ thuật in tranh thủ công, bức tranh hoàn thành là do sự ghép lại của các mảng màu theo đúng trình tự nhất định.
Thông thường, người ta đề thơ lên tranh bằng chữ Hán. Những câu thơ ngắn gọn, súc tích, hàm chứa chủ đề của bức tranh. Nhờ vậy, người xem dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa của bức tranh và tư tưởng mà người nghệ nhân muốn truyền đạt.
Tranh Đông Hồ đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu trong kho tàng tri thức dân gian Việt Nam. Chất liệu hội họa của tranh Đông Hồ mà bất cứ dòng tranh nào khác “cũng không thạo dùng và chưa nước nào có” (đặc biệt là màu điệp). Khắc gỗ, in tranh - một nghề thủ công cổ truyền của dân tộc ta từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới biết đến.Nó vừa là một nghề thủ công, vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian rất Việt Nam. Giá trị của tranh và bàn tay vàng của nghệ nhân làm tranh dân gian cần được giữ gìn, phát huy và phổ biến rộng rãi.
Một số tranh Đông Hồ tiêu biểu:
Đàn lợn âm dương Đàn gà
Hứng dừa Chăn trâu thổi sáo